caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

dimanche 9 novembre 2014

Cần Thơ, đầu cầu và thủ đô miền Hậu Giang

Bài để biết thêm về lịch sử thành phố Cần Thơ
Caroline Thanh Hương

Vùng Cần Thơ thời Mạc Thiên Tứ mang tên là Trấn Giang, vào năm 1793. Mãi đến khi  người Pháp xâm chiếm, Cần Thơ là vùng không quan trọng. Ngọn rạch Cần Thơ ăn thông  qua sông Cái Bé rồi ra vịnh Xiêm La nhưng không rõ rệt. Đời Tự Đức, Đại nam Nhất thống  chí mô tả khúc đường ấy: Cuối đông qua xuân, nước khô bùn cứng ghe thuyền qua lại  không được, từ mùa hạ qua đông, nước mưa tràn bờ thì ghe thuyền cỡi lên trên cỏ và bèo mà  đi, cứ trông theo phía tả hay phía hữu rừng cây mà nhận dấu đường. Nơi đây không có bóng người, có rất nhiều muỗi và đĩa, người qua lại rất khổ sở. Tóm lại, Cần Thơ chỉ đông đúc ở  phía sát bờ Hậu giang.
Về giao thông và kinh tế, từ đời họ Mạc đến lúc người Pháp đến, lúa gạo ở Rạch Giá và ở Cà Mau thì xuất cảng cho những ghe Hải Nam vào chợ Cà Mau và Rạch Giá; lúa gạo ở Sóc  Trăng và Ba Thắc thì bán theo cửa Ba Thắc (bản đồ Pháp ghi là cửa Tranh De, chắc là do  chữ Trấn Di, đọc trại rồi âm lại). Vùng Cần Thơ chỉ là những xóm sung túc bên rạch Cần  Thơ và rạch Bình Thủy, phía bắc là vùng Ô Môn có đất giồng khá tốt.

Đời Gia Long, Cần Thơ thuộc về huyện Vĩnh Định, năm Minh Mạng thứ 13 (1832) nhập qua phủ Tân Thành (do Sa Đéc cai quản).
Vùng Ô Môn đời Tự Đức (và có lẽ từ các đời trước) là khu vực ít nhiều tự trị của người  Miên nên Đại nam Nhất thống chí gọi là “thổ huyện”.
Thoạt tiên người Pháp đặt Cần Thơ (vùng rạch Cần Thơ và Ô Môn) là hạt nhưng  không quan trọng bằng hạt Long Xuyên (Đông Xuyên) hoặc Sóc Trăng. Nghị định ngày 30/4/1872 lại đặt ra Trà Ôn, phần đất của Cần Thơ nhập qua Trà Ôn. Hạt Trà Ôn lại bị giải tán để rồi ngày 23/2/1876 tái lập hạt Cần Thơ với chợ Cần Thơ là tỉnh lỵ; Trà Ôn chỉ còn vai  trò quận lỵ, nhưng là quận lỵ quan trọng nhứt nhì của tỉnh.
Pháp không lầm khi chọn Trà Ôn làm trung tâm quan trọng. Việc bán lúa gạo ra nước  ngoài lần hồi không còn do các hải cảng Cà Mau, Rạch Giá (phía vịnh Xiêm La) hoặc Bãi Xàu (bờ Hậu giang) đảm nhận như trước nữa. Ghe buồm Hải Nam tuy to, chở nặng nhưng  làm sao cạnh tranh nổi với các tàu sắt, chạy máy của Tây phương tại bến Sài Gòn.
Tàu máy chở gạo qua Hương Cảng với giá vốn nhẹ hơn. Dầu muốn hay không, lúa gạo  miền Sóc Trăng cũng phải mượn đường Trà Ôn để đem bán tại Chợ Lớn. Rạch Trà Ôn nối  qua sông Mân Thít bên Tiền giang, con đường mà trước kia Nguyễn ánh và Tây Sơn giành  nhau quyền kiểm soát.
Quan cai trị Pháp biết nhìn xa: dời tỉnh lỵ về rạch Cần Thơ thì chợ Cần Thơ trở thành  ải địa đầu quan trọng, nắm luôn nẻo thông thương thứ nhì, cũng nối từ Hậu giang qua Tiền giang để lên Sài Gòn, Chợ Lớn. Đó là con đường từ rạch Cái Vồn qua rạch Nha Mân, phía Sa Đéc. Lại còn phía tây Cần Thơ là vùng Rạch Giá, Cà Mau bao la với nhiều triển vọng về  lúa gạo, đất hoang chưa khai phá.
Cần Thơ có khí hậu tốt, đất hoang tuy chưa được khai thác đúng mức nhưng là rừng  chồi thưa thớt, không như rừng tràm ở nước mặn phía Rạch Giá, Cà Mau. Giữa Cần Thơ,  Sóc Trăng và ranh tỉnh Rạch Giá còn một cánh đồng bát ngát, nước ngọt, không quá thấp  như Đồng Tháp Mười, không quá sình lầy và nhiều phèn. Đó là cánh đồng sau này trở  thành quận Phụng Hiệp, đầy lau sậy, có voi (voi ăn sậy và lau). Thoạt tiên người Pháp gọi  đó là “Đồng Sậy” nhưng vì khai phá xong nên địa danh này không còn thông dụng như trường hợp Đồng Tháp Mười hay rừng tràm U Minh.
Rạch Cần Thơ chạy dài tới Phong Điền, nhà cửa đông đúc. Rạch Cái Răng là nơi đất  tốt. Đất ở rạch Bình Thủy không đâu sánh bằng; rạch Cần Thơ và rạch Bình Thủy như nối tiếp nhau ở cuối ngọn. Tuy không là văn vật như miền Tiền giang nhưng dân ở hai con rạch  này khá thuần thục, thông hiểu lễ nghĩa “trai Nhân ái, gái Long Xuyên”.
Thực dân Pháp nhắm mục đích biến Cần Thơ thành trung tâm quan trọng nắm giềng  mối đường giao thông về Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau trong giai đoạn mà đường  thủy nắm ưu thế. Về sau, sau trận thế chiến 1914- 1918, những con lộ xe cũng nhằm phục  vụ mục tiêu chiến lược này. Phải qua Cần Thơ mới lên Sài Gòn được, đa số lúa gạo gom về  Cần Thơ vì đây là con đường vận tải ngắn nhứt.
Khi Pháp đến, vùng Ba Láng (nhánh của rạch Cần Thơ) là nơi khởi nghĩa của Đinh  Sâm. Đinh Sâm thất bại nhưng vào tháng 3/1870, chừng 200 nghĩa quân tụ tập lại ăn tiệc, chuẩn bị đánh tòa thâm biện Cần Thơ. Thực dân phát giác kịp, bắt giam 141 người, trong số  này chừng 55 người mà thực dân cho là nguy hiểm bị đề nghị đày ra Côn Nôn hoặc đảo  Réunion. Tham biện lúc bấy giờ là Alexandre dùng dân địa phương làm xâu, cất nhà lá chung quanh nhà lồng chợ để bán hoặc cho mướn lại.
Theo báo cáo thì ở Cần Thơ việc kiện thưa đất đai xảy ra quá nhiều chứng tỏ người dân  thấy tương lai sáng sủa của nghề nông. Chủ tỉnh ra lịnh lập bộ điền cho kỷ hơn để thâu  thuế. Năm 1887, đất canh tác là 85.000 mẫu, so với năm trước (khai để đóng thuế) tăng thêm 17.000 mẫu. Diện tích của tỉnh là 205.000 mẫu, tức là còn lại 110.000 mẫu có thể canh  tác. Dân ghi trong bộ để chịu thuế trong toàn tỉnh là 26.500 người.
Đào kinh xáng Xà No
Kinh xáng Xà No là công trình lớn lao đầu tiên của Nam kỳ về đường thủy, có thể so  sánh với việc thiết lập đường xe lửa Sài Gòn, Mỹ Tho về đường bộ. Kỹ thuật Tây phương đã  biểu diễn với tất cả sức mạnh và hiệu năng.
Đời Gia Long và Minh Mạng, vua và các quan đã nhận rõ vai trò quan trọng của kinh đào đối với miền Tiền giang và Hậu giang. Kinh Thoại Hà, kinh Vĩnh Tế là những công  trình chiến lược đứng đắn, nối vịnh Xiêm La qua Hậu giang để rồi lên Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài  Gòn. Ai cũng biết đào kinh thì đất ráo phèn, ruộng nương dễ khai phá, dân chúng thích quy  tụ ở nơi “sông sâu nước chảy”.
Kinh xáng Xà No nối Hậu giang qua vịnh Xiêm La, xuyên qua vùng đất tốt và to rộng  giữa nhánh sông Cái Lớn và rạch Cần Thơ (nhánh sông Cái Lớn nơi ấy gọi là Rạch Cái Tư).
Từ năm 1866, nhà nước dùng xáng mà vét lại rạch Bến Lức và kinh Bảo Định nhưng  kết quả chưa được như ý muốn. Năm 1875, đô đốc Duperré cho đào lại kinh Chợ Gạo và  kinh Trà Ôn, dùng dân xâu. Năm 1893, quan toàn quyền De Lanessan cho đấu thầu ở  Paris. Công ty Montvenoux trúng thầu với giá là ba cắc rưỡi một thước khối, trong tháng  đầu phải đào 60.000 thước khối đất và năng xuất tăng thêm, trong tháng thứ 25 phải đào  200.000 thước khối.
Sáng kiến đào kinh Xà No trước tiên do hai người Pháp là Duval và Guéry nêu ra vì  quyền lợi ích kỷ. Họ thấy đất tốt và rộng nên xin trưng khẩn. Và khi chưa được giấy phép  trưng khẩn chánh thức là họ đã vận động với quan toàn quyền Paul Doumer (17/5/1900).  Chủ tỉnh Cần Thơ cho biết là trước đó, năm 1896, đã đào kinh Ô Môn (nối ngọn sông Cái Bé  từ Rạch Giá qua Ô Môn) dùng dân xâu nhưng tạm ngưng vì ở vùng đào kinh xảy ra nạn  dịch khí. Kinh Xà No nếu đào được thì ích lợi vô cùng, giúp khai thác hàng mấy chục ngàn mẫu đất tốt phía địa phận Cần Thơ. Nhưng Duval và Guéry lại muốn nhà nước đào thật  gấp, trong vòng một năm cho xong và bắt đầu đào ở phần đất mà họ đang xin trưng khẩn  (tức là khởi đầu từ khoảng giữa) để họ thâu lợi sớm.
Kinh vừa khởi đào là Guéry được nghị định của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer  cấp cho không một sở đất tốt với diện tích khổng lồ là 2.500 mẫu nằm trên vùng đào kinh, tọa lạc tại làng Nhân Nghĩa, tổng Định Bảo, tỉnh Cần Thơ (nghị định số 338 ngày  14/2/1901).
Kinh Xà No đào từ 1901 đến tháng 7/1903 là xong, bề ngang trên mặt rộng 60 mét,  dưới đáy 40 mét tốn phí 3.680.000 quan. Lần này, nhà thầu sử dụng loại xáng lớn chạy  bằng hơi nước, với những giàn gàu bằng sắt. Máy của xáng mạnh 350 mã lực, mỗi giàn mút  được 375 lít, thổi bùn ra xa đến 60 mét. Giàn gàu của xáng chạy theo vòng tròn (như xe đạp  nước). Từ xa, chiếc xáng giống như chiếc chiến hạm, máy chạy vang rền suốt năm ba cây số,  mang theo một số chuyên viên, nhân công hàng trăm người. Dọc theo hai bên bờ phải chở  củi đem tới sẵn, vì xáng đốt nồi sốt- de bằng củi.
Vài chuyện khôi hài xảy ra, một số dân chạy theo xáng, dùng thúng mà hứng bùn để  tìm vàng, nhưng chỉ gặp xương người xương thú. Nhiều người cho rằng cứ “cắm dùi” là đất  ấy về phần mình, vì mình đến trước nhứt. Cu- li của hãng xáng tụ tập, bày ra đánh bài,  uống rượu hoặc đi ăn cướp, bọn cặp- rằn đo đất thì hăm dọa những chủ nhà ở gần con kinh  sắp đào để tống tiền, ai cho tiền thì nhà cửa, vườn tược khỏi bị đào ngang. Bọn chuyên viên  người Pháp đứng cao trên xáng, hò hét như các vị chỉ huy chiến hạm. Khung cảnh trầm  hùng này đã in sâu vào giai thoại thời ấy, trở thành ca dao, chiếc xáng của Tây là sức mạnh  cơ khí vô địch.
Lễ khánh thành kinh Xà No là ngày trọng đại, có lẽ đó là lần đầu tiên mà quan Toàn quyền Đông Dương chịu đặt chân đến miền Hậu giang. Quan lại địa phương, thân hào nhân  sĩ từ các tỉnh lân cận đến tề tựu đón rước, ban quân nhạc từ Sài Gòn đến, lại có tổ chức dạ vũ.
Phần đất mà Duval và Guéry trưng khẩn thuộc vào loại tốt nhứt nhì của Nam kỳ.  Những năm 1908- 1910, trong khi ở tỉnh Cần Thơ điền chủ bổn xứ và điền chủ Pháp rầu lo  vì nạn đói, nước mưa dâng quá cao thì phần đất của Duval và Guéry chẳng bao giờ bị lỗ lã nhờ ở sát bờ kinh. Điền của Guéry mướn bọn cựu quân nhân Pháp làm cai điền với súng ống  hẳn hòi, xét bắt ghe xuồng qua lại. Ai chở lúa lậu thì bọn cai điền được chủ tỉnh cho phép  lập biên bản giải tòa. Dân ở gần điền và các chủ điền lân cận đều bực dọc về thể thức xét hỏi  này: lúa của họ bị kiểm soát, khi cần mượn đường nước để đi ngang qua điền. Kinh đào là của nhà nước, nhưng bọn điền Tây xem như là khu vực quân sự riêng của họ.
Vào những năm đầu thế kỷ, ở Cần Thơ người Pháp và người Việt có Pháp tịch làm chủ 36.000 mẫu (1910). Dường như chỉ có Duval và Guéry là thành công nhứt, vài công ty khác như Société des Rizières franco- annamites, hoặc Michel- Villaz et Cie đều lỗ lã, hoặc có  những tư nhân như Balmann đã phá sản.
Công ty Associaton Rizicole Indochinoise thành hình vào năm 1910, gởi chuyên viên  qua Mỹ quốc nghiên cứu các loại máy cày thích hợp rồi cho một kỷ sư canh nông là Alazard  đến Thới Lai (Ô Môn) mang theo máy cày, máy bừa, máy gieo mạ, xin chánh phủ thuộc địa trợ cấp để thí nghiệm cải tiến kỹ thuật nhưng không đạt kết quả khả quan. Tên Duquet thử  thí nghiệm việc cày máy vào mùa nắng, đầu năm 1911.
Tư nhân Pháp sẵn sàng góp tay với nhà nước để trong điền đất của họ có kinh đào cho  riêng họ thủ lợi, dân xâu phải tiếp tay (trường hợp Sambuc và Belin trợ cấp 8.600 đồng  nhân dịp đào kinh Thới Lai).
Năm 1907, để phục vụ cho mùa 1907- 1908 nhà nước thiết lập ở Cần Thơ một phòng  Dinh Điền nhầm mục đích tìm nhân công cho các điền của người Pháp ở Cần Thơ, mộ dân  nghèo ở Bắc kỳ vào. Nhưng tốp dân mộ này vì bị quan lại ở quê xứ cưỡng bách, nên khi đến  Cần Thơ lại lãng công, thiếu thiện chí. Rốt cuộc, nhà nước trả họ về quê để khỏi chịu tốn  kém về cơm gạo.
Phòng Dinh Điền bèn kiên nhẫn thí nghiệm lần thứ nhì, nhờ quan Công sứ tỉnh Thái Bình chọn lựa kỹ lưỡng hơn, nhằm khẩn hoang vùng Phụng Hiệp. Người ứng một phải ký giao kèo chịu ở Nam kỳ ít nhứt là 3 năm, mỗi gia trưởng khi đến Cần Thơ được tạm cấp 4 mẫu đất, 5 năm sau trở thành sở hữu chủ, trong giai đọan khai thác đầu tiên được miễn 5  năm khỏi đóng thuế điền và thuế thân. Sau này, đất bán lại với giá rẻ cho người khai thác,  lại còn giúp đỡ cụ thể về tiền bạc để sắm quần áo, nông cụ.
Đích thân viên đầu phòng Dinh Điền ra tới tỉnh Thái Bình để ký giao kèo với các gia  trưởng chịu vào Cần Thơ nhưng làm sao viên chức này biết rõ cách thức tuyển mộ của quan Công sứ tỉnh Thái Bình? Đợt người vào Nam này gần như bị quan trên bắt buộc phải đi, gồm có: 84 gia đình tổng cộng 328 người, chia ra 84 người cha, 85 người mẹ, 122 trẻ con, 37  người lớn tuổi.
Cuối tháng 5/1908, họ vào Cần Thơ, đưa đến vùng Phụng Hiệp (bấy giờ còn hoang vu) cứ 8 ngày là phát gạo, 15 ngày là phát tiền. Họ lãng công, một số chịu làm lụng nhưng  không quen kỹ thuật làm ruộng ở địa phương, một số đông thì trốn, bỏ vợ con. Theo báo cáo  của quan huyện ở Rạch Gòi thì tốp người ứng mộ này chỉ gồm chừng 5 hay 6 người là nông  dân, còn bao nhiêu là dân mà viên chức ngoài Bắc cứ lùa vào Nam, tạp nhạp, theo kiểu bắt  phu. Vì thế mà cuộc di dân không thu được kết quả gì ráo.
Từ tháng 12/1908 đến tháng 4/1909, họ lần lượt bị đưa về Bắc, còn sót lại 19 người  đang ở tù, vì bất hảo (phúc trình hằng năm về tình hình tổng quát tỉnh Cần Thơ, niên khóa  1908- 1909 của chủ tỉnh L. de Natra).
Trong đợt di dân đầu tiên, 50 người gọi là “cu li Bắc kỳ” tới điền của Duval và Guéry  với một viên đội và 2 người cai canh chừng, nhà nước yêu cầu chủ điền cho lãnh lương hơi  cao một tí để họ siêng năng làm việc. Nên hiểu cuộc dinh điền của Pháp chỉ là mô phỏng  vụng về hình thức lập ấp đời Tự Đức. Đây là hình thức nô lệ trá hình, bị thất bại vì thiếu  chính nghĩa.
Câu hát “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền. Anh thương em cho bạc cho tiền, đừng cho lúa gạo xóm riềng họ hay” phản ảnh tâm trạng lạc quan của người dân thời ấy.
Vàm Xáng (vàm của kinh Xáng) là nơi kinh Xà No khởi đầu bên phía Cần Thơ (Xà No,  Srok Snor, xóm có nhiều cây điên điển). Ngã ba này trở nên tấp nập, ghe xuồng đậu để chờ  con nước thuận lợi mà qua Rạch Giá hay ra chợ Cần Thơ.
Năm 1908, hương chức làng Nhân ái đứng đơn xin lập chợ, gọi là chợ Vàm Xáng để  thâu huê lợi cho làng. Một thân hào tình nguyện cho làng khoảnh đất để cất chợ, nhà canh  và phố. Về sau, nhà tước tách địa phận này qua làng Nhân Nghĩa. Hương chức làng Nhân ái lại phản đối, lấy lý do: “Làng Nhân ái này là của ông bà cha mẹ chúng tôi lập ra hơn một  trăm năm nay, nên luôn luôn rất bình an”, nếu cắt đất chợ mà nhập qua làng khác, e hư phong thủy (nhưng thật ra hương chức làng mất dịp làm ăn).
Năm 1913, một thân hào khác lại tặng cho làng sở đất 880 thước vuông để cất nhà trường làng “dạy trẻ con học hành phong hóa”. Lúa từ phía Rạch Giá theo kinh Xà No chở  ra chợ Cái Răng, do người Huê kiều mua về, mướn nhà máy xay ra gạo tại chỗ trước khi  đem về Chợ Lớn mà xuất cảng. Nhờ đó, chợ Cái Răng trở thành kho lúa gạo to lớn với nhiều  dịch vụ mua bán mà người Huê kiều thao túng trên thị trường nội địa.
Năm 1908, chợ Cái Răng đã sung túc đến mức hương chức hội tề sở tại bán cái sườn  nhà lồng chợ cho làng Thới Thạnh để mua cái sườn nhà chợ khác, to và chắc chắn hơn.
Vào đầu năm 1911, nhiều người bày ra sáng kiến lập chành, thoạt tiên chành cất bằng  lá. Và cũng năm này, công ty Asiatic Petroleum xin phép cất cây cầu sắt dài 15 mét tại bến  Cái Răng cho tàu chở dầu cặp bến dễ dàng hơn.
Cuộc tranh đấu của trí thức Cần Thơ
Đây là phong trào Duy Tân (gọi là cuộc Minh Tân) do Gilbert Trần Chánh Chiếu cầm  đầu.
Cần Thơ là nơi mà giới điền chủ Việt có truyền thống văn hóa cao, tuy kém các tỉnh  miền trên như Mỹ Tho, Tân An nhưng đứng vào hàng đầu các tỉnh Hậu giang. Người ở Cần  Thơ liên lạc dễ dàng với các tỉnh miền trên. Đặc biệt là giới công chức Cần Thơ có tinh thần  dân tộc, đến mức khiến thực dân Pháp phải khó nghĩ, lo ngại.
Phong trào Đông Du lôi cuốn con nhà khá giả ở Bình Thủy và Trà Ôn (nơi giáp ranh vùng Tam Bình). Lão sư Nguyễn Giác Nguyên ở chùa Nam Nhã (chùa Minh Sư, Bình Thủy)  được ông Cường Để phong cho chức chủ tỉnh Cần Thơ nếu việc lớn được thành. Về mặt công  khai, phong trào Duy Tân khá rầm rộ. Nhân sĩ yêu nước thời bấy giờ lập Hội khuyến học  Cần Thơ vào ngày 23/3/1906. Trên điều lệ, mục đích của hội là giúp hội viên học hỏi trau giồi kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa của nước Pháp bằng mọi phương tiện. Hội trưởng hội  này là Võ Văn Thơm, hai ông phó Hội trưởng là Hồ Hưng Nhường và Nguyễn Háo Văn. Vì  chê thành phần Hội khuyến học Sài Gòn lúc bấy giờ kém tích cực và cũng vì muốn hoạt  động riêng nên Hội Cần Thơ không tán thành việc gia nhập vào Hội khuyến học Sài Gòn (20 phiếu chống, 2 phiếu thuận). Ông Nguyễn Háo Văn là chiến sĩ đắc lực của phong trào Duy Tân. Về sau, khi vụ án Gilbert Chiếu phanh phui ra, ông bị cách chức vào ngày 19/4/1909  (ông là thư ký hạng nhứt). Và ba ngày sau thực dân cũng cách chức ông tri phủ Nguyễn  Công Luận ở Sa Đéc, ông Huỳnh Công Bền, tri phủ Cai Lậy, ông Phạm Văn Bảy, tri huyện  ở chợ Mỹ Tho bị can đồng một tội.
Tuy nhiên, vì không dám khuấy động quá mức, thực dân lúc bấy giờ có thái độ tương  đối hòa hưởn, ông Nguyễn Văn Háo rút đứa con trai đang du học bên Nhựt về, cho tiếp tục  học tại Saint Joseph English College Hong Kong (đây là ông Nguyễn Háo Vĩnh, có công  trong việc chấn hưng ngành xuất bản sách ở miền Nam).
Trong bài diễn văn đọc kỳ đại hội của Hội khuyến học Cần Thơ ngày 10/1/1908, ông  Hội trưởng Võ Văn Thơm công khai đề cao tinh thần dân tộc, cổ xúy người Việt nên hăng  hái, bớt lười biếng, đứng lên tranh thương với Hoa kiều và ấn kiều, và trong hiện tại, họ đã  nể nang người Việt. Lời lẽ trong bài diễn văn này không dính dấp gì với mục đích của Hội là “phổ biến văn hóa Pháp” cả.
Khi báo cáo cho Thống đốc Nam kỳ về tình hình trong tỉnh, lần lượt các viên chủ tỉnh ở  Cần Thơ thú nhận như sau:
-  Báo cáo năm 1908- 1909 của L. de Natra: Chủ tỉnh Cần Thơ hồi năm ngoái nhận  định rằng “vụ án Gilbert Chiếu và đồng bọn không gây phản ứng gì rõ rệt đối với nhân tâm  trong tỉnh. Tuy nhiên, ta phải nhìn nhận rằng một số đông kẻ liên can trong vụ án đều là  quê quán ở Cần Thơ. Họ đang bị giam để chờ ngày ra trước tòa án Mỹ Tho...”
Chủ tỉnh de Natra nói là những biến cố năm 1908 chứng minh một cách khá rõ rệt rằng dân Nam kỳ bấy lâu chỉ lo làm ăn và cầu mong được yên ổn, lại bị xúi giục. Đa số  người đi xúi dục này đều là những kẻ thọ ơn nhà nước Pháp. “Người bổn xứ, mà ta có thể tin  cậy là trung thành với chế độ đã tìm mọi cách mà họ có thể có được để chuẩn bị khởi loạn”.
-  Báo cáo năm 1909- 1910: Từ khi xảy ra vụ án Gilbert Chiếu tới nay, chẳng có sự việc  gì nổi bật, đáng ghi... “Nhưng khi tiếp xúc với người bổn xứ, ngay đến những người đã từng  phục vụ nhà nước Pháp một cách hữu ích, ta phải giựt mình vì thái độ chỉ trích của họ đối  với tất cả những gì liên quan đến chính quyền thuộc địa, một lối chỉ trích mỉa mai, cay cú”.
Báo cáo năm 1910- 1911: “Không có cuộc biến loạn, không có sự bộc lộ cụ thể nào xảy ra. Tuy nhiên, dưới bề ngoài yên ổn này ta nhận ra một cách dễ dàng là còn một phần của dân chúng -  may thay số người này không đông đảo cho lắm -  họ có thái độ đối lập và thái độ chỉ trích không nhân nhượng, tận gốc, đối với tất cả những gì của chánh quyền, những gì  xuất phát từ phía người Pháp”. Gilbert Chiếu được tòa xử miễn tố, vì vậy mà họ càng lừng  lẫy hơn, lại còn một số người đồng lõa trong vụ án cũng được miễn tố. Dân trong tỉnh đủ sức  đóng thuế, nhưng tình hình bên Mãn Châu đã có ảnh hưởng ở toàn cõi Viễn Đông. Cầm đầu nhóm chống đối chính quyền, có nhiều viên thư ký hoặc quan lại đã bị cách chức, họ đang  sống ngày qua ngày.
Thiên Địa Hội phát triển đặc biệt ở vùng Rạch Giá. Tháng 5/1909, nhà nước phát giác từ 3 đến 400 người gia nhập hội, chừng 15 người cầm đầu bị đưa ra tòa. Năm 1910- 1911,  chủ tỉnh Cần Thơ lại bực mình vì sau 50 năm thống trị của người Pháp mà những hội như thế ấy tại sao lại có thể tồn tại và phát triển? Theo viên chủ tỉnh này, lý do chánh là sự bất  lực của các tòa án đã xử phạt quá nhẹ nên dân không sợ.
Một tài liệu khám phá tổ chức Thiên Địa Hội ở vùng Cần Thơ thuộc về Nghĩa Hòa đoàn (gọi theo giọng Tàu là Dì Hóa). Về cách tổ chức thì giống như các nhóm Thiên Địa Hội  khác, với chủ soái, phó chủ soái, chánh chủ hương, phó chủ hương. Hội viên lấy bí danh,  theo họ của các vị ngũ tổ thời trước như Vạn Vân Long, Hồng Vạn Chương. Chỉ trừ một số  người Huê kiều làm chánh chủ soái, còn bao nhiêu đều là hương chức. Đặc biệt là về chức  vụ thảo hài, hồng côn, bạch phiến, có riêng một người là võ bạch phiến, một người là văn  bạch phiến, văn thảo hài, võ thảo hài. Phải chăng họ chú trọng đến vấn đề quân sự để khởi  nghĩa trong ngày gần nhứt?
Vào những năm 1907, vùng biên giới tỉnh Cần Thơ xảy ra nạn cướp bóc, chuyên đánh  ghe buôn và những chủ điền ở nơi hẻo lánh. Cần Thơ gồm đất đai ở hai bên bờ Hậu giang,  giữa sông lại có cù lao, bọn cướp hoành hành nơi giáp ranh với Sóc Trăng, Vĩnh Long, Long  Xuyên, Rạch Giá. Cầm đầu bọn cướp gồm những tay khét tiếng đầy đủ bản lãnh, nổi danh  nhứt là Sáu Nhỏ. Theo lịnh của cấp trên, các làng được phép truy nã bọn cướp qua làng bên  cạnh, mặc dầu khác tỉnh. Vì bọn chúa đảng lần hồi sa lưới nên các vụ cướp giảm lần từ 43  vụ, khoảng 1906- 1907, sụt còn 14 vụ, khoảng 1908- 1909.
Lộ xe, chợ phố và trung tâm ngã bảy (Phụng Hiệp)
Nhiều con kinh tiếp tục đào nối liền các rạch nhỏ trong tỉnh, quan trọng nhứt là công  trình mở mang đường giao thông ở cánh đồng Phụng Hiệp mà trước kia người Pháp gọi là Plaine des Roseaux. Đất Cần Thơ phía tả ngạn Hậu giang đã có dân cư từ lâu. Phía hữu  ngạn là đất tốt tuy hoang vu đầy lau sậy nhưng dầu sao đi nữa với địa thế tương đối cao (so  với Châu Đốc hoặc Rạch Giá), với phù sa nước ngọt (dễ trồng hoa màu phụ), nhứt là gần  đường giao thông về Sài Gòn (lúa bán có giá) thì vẫn là nơi lý tưởng mà ai cũng muốn bám  vào, không xong thì mới xuống Rạch Giá, Cà Mau là nơi đất thấp, nhiều muỗi mòng.
Liệt kê việc đào kinh ở tỉnh Cần Thơ là điều rắc rối vì nhiều con kinh đào đợt đầu, rồi  đợt nhì nối dài rồi mở rộng, rồi vét lại cho sâu nhiều lượt.
Nên chú ý là số dân xâu dùng vào việc đào kinh nhỏ khá nhiều, cực khổ nhứt là dân  vùng Rạch Gòi (về sau quận lỵ dời về Ngã Bảy, Phụng Hiệp).
Chuyên viên thủy nông nghiên cứu không chính xác. Lắm vùng đất làm ruộng được,  nhưng bỗng nhiên lại trở thành đất thấp, bị ngập lụt triền miên chỉ vì ảnh hưởng của mấy  con kinh đào lân cận. Trong trường hợp ấy, dân làng và điền chủ phải tự nguyện xin làm  xâu, đào thêm kinh phụ để cứu nguy cho ruộng đất của mình.
-  Đào kinh Trà ết (1902), đào kinh Bà Thậm qua Tân Lược (1899), vét lại năm 1904.
-  Đào kinh từ ngọn Cái Bé qua Thốt Nót từ 1908 đến 1910.
-  Vét kinh Nhiêu Sự để nối liền Bò Hút qua Sa Đéc (1909).
-  Vét kinh Vàm Bi (1909- 1910), điều chỉnh lại kinh Ô Môn qua ngọn sông Cái Bé  (1911- 1912).
-  Đào kinh Xẻo Vông (1908- 1912).
Năm 1911, vào ngày 9/4, quận Rạch Gòi có đến 2150 dân xâu làm việc thường trực để  đào kinh. Riêng về rạch Ông Rầy (nối qua Rạch Giá) dùng đến 1230 dân xâu. Năm 1910,  quận Ô Môn cung cấp 3250 dân xâu (Định Thới: 1130 người, Thới Bảo: 2120 người). Việc đào kinh không theo nguyên tắc mà luật lệ đã định (5 ngày) nhưng là làm khoán, trung  bình mỗi chuyến làm xâu, mỗi người phải đào cho xong chừng 15 thước khối đất.
Năm 1909, một kế hoạch có ích lợi thực tế được thực hiện, đó là đào con kinh ngắn, cắt  ngang cù lao Mây để ghe chở lúa từ phía Phụng Hiệp đi tắt qua vàm Trà Ôn, khỏi đi vòng quanh phân nửa cù lao như trước.
Lộ xe từ Cần Thơ đi Sóc Trăng, đi Long Xuyên, đi Vĩnh Long cứ đắp từ từ, dùng dân  xâu và cu li mướn rẻ tiền, từ năm 1908 về sau. Bấy giờ chưa có hủ lô chạy máy nên dân phải thay phiên nhau đẩy “ống cán” để cán đá. Đá đã tới bến thì dùng sức người để đẩy xe rùa  trên đường rầy bằng sắt mà đưa tới chỗ cán, hao tổn sức lực. Khi làm đường lộ, có cai và đội  lục lộ trông coi, ai lười biếng thì bị rầy la, ai muốn trốn về nhà thì cứ lo hối lộ. Nhà nước  phát chừng 4 cắc bạc mỗi ngày, nhưng tiền này thường bị ăn bớt.
Cánh đồng Phụng Hiệp lần hồi có nhiều kinh quy tụ về một trung tâm, gọi là Ngã Bảy.
Voi rừng bị bắn chết, một mớ thì bị mấy thày ngải từ Nam Vang tới bắt; nhà nước đã  xuất ra 241 đồng để thưởng mấy thày ngải này.
Có thể nói khoảng 1908- 1909 là những năm lạc quan nhứt về mặt phát triển, xây  dựng cơ cấu kinh tế: cất xong nhà chợ (chợ cá) tại chợ Cần Thơ, ráp nhà lồng chợ mới ở Cái  Răng, nhà lồng chợ Cái Răng thì bán cho chợ Ô Môn, nhà lồng chợ Ô Môn thì bán cho chợ  nhỏ hơn là chợ Rạch Gòi.
Cuối năm 1910, nhà thầu đã cẩn xong bờ sông Cần Thơ (chỗ vàm rạch Cái Khế): cẩn  bằng cừ cây, lót vỉ sắt, tráng xi- măng bên ngoài cho nước không làm lở và đồng thời cẩn đá  luôn bờ sông tại chợ.
Năm 1911, chỉnh đốn lại mấy “mũi tàu” rạch Cái Vồn Lớn, Cái Vồn Bé và bờ rạch Trà Ôn. Mấy nẻo yết hầu này là đường chở lúa gạo từ Hậu giang qua Tiền giang; dùng kỹ thuật  đặc biệt, cẩn từng cục xi- măng cứng (gọi là cuirasse Decauville) để khỏi bị nước xoáy làm lở  bờ. Năm 1908, chủ tỉnh Outrey đưa ra kế hoạch biến Phụng Hiệp trở thành một thương  cảng.
Xáng đào thêm con kinh nối Phụng Hiệp với Sóc Trăng, năm 1901.
Bấy lâu, lúa từ Cà Mau chở lên Mỹ Tho rồi lên Sài Gòn theo con đường quanh co,  không thuận lợi: từ Cà Mau theo kinh lên Bạc Liêu, qua Cổ Cò, Sóc Trăng, ra Đại Ngãi, vượt Hậu giang rồi theo con rạch Tiểu Cần đến Láng Thé, rồi qua Tiền giang đến Mỏ Cày,  qua Bến Tre rồi Mỹ Tho. Năm 1914, kế hoạch đào kinh Quan Lộ được nghiên cứu và thi  hành gấp, nối liền Cà Mau thẳng lên Phụng Hiệp để từ đó qua Cái Côn rồi qua Trà Ôn, con đường rút ngắn hơn nhiều. Ngoài ra, hai bờ kinh Quan Lộ sẽ quy tụ dân đến khẩn đất, nhà nước thêm lợi.
Năm 1915, quận lỵ Rạch Gòi dời đến Ngã Bảy, Phụng Hiệp, gọi là quận Phụng Hiệp.  Đây là quận thành hình giữa vùng lau sậy hoang vu, sau 10 năm đào kinh xáng, nằm trên  đường thủy từ Cà Mau ra Hậu giang, đem lúa và sản phẩm lên Sài Gòn.
Trên những nét chánh, việc khẩn hoang được hoàn tất, khi đường thủy nắm ưu thế.  Qua trận thế chiến thứ nhứt, đường bộ bắt đầu phát triển. Cần Thơ vẫn nắm giềng mối của  các tỉnh giàu có như Sóc Trăng, Bạc Liêu (và Cà Mau). Đồng thời phân nửa tỉnh Rạch Giá cũng nhờ Cần Thơ mà đến Sài Gòn theo đường bộ ngắn nhứt.
Nhờ dân đông đúc nên việc giáo huấn ở Cần Thơ phát triển mạnh hơn các tỉnh khác ở  Hậu giang. Năm 1903, đã lập trường nữ tiểu học với một nữ giáo viên người Pháp cai quản,  trường dạy thêm môn thêu thùa và có bàn máy may biểu diễn cho học sinh và cha mẹ học  sinh xem.
Từ năm 1910, dân ở Cần Thơ và ở Trà Ôn được xem chiếu bóng (chiếu bóng câm) do  nhóm Batisson cho chiếu lưu động những phim ngắn, khôi hài hoặc thời sự khoa học. Năm 1917, An Hà nhựt báo ra đời tại Cần Thơ, đó là ấn bản chữ Việt của tờ Courrier de líOuest  cũng ra mắt tại Cần Thơ.
Năm 1926, trường Trung học Cần Thơ nhận học sinh năm đầu tiên (lớp thứ nhứt).

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire