caroline thanh huong

caroline thanh huong
catbui

Libellés

jeudi 1 août 2013

Ngôi làng Việt Nam lâu đời nhất ở nước Pháp (28/06/2013)

Ngôi làng Việt Nam lâu đời nhất ở nước Pháp (28/06/2013)
Noyant d’Allier là một thành phố thuộc tỉnh Aliê, vùng Auvergne của nước Pháp. Nơi đây từng đón tiếp những người Pháp trở về từ Đông Dương vào năm 1955. Trong số này có khá nhiều người Pháp trở về từ Việt Nam cùng với vợ là người Việt Nam và những đứa con lai mang hai dòng máu Việt - Pháp. Người Pháp gốc Việt và người Pháp lai Việt Nam từ trước đến nay vẫn được xem là cộng đồng người Việt, chiếm lĩnh một phần lớn dân số của thành phố và góp phần đáng kể trong sự phát triển của địa phương…

Chùa Pháp Vương Tự do những người Pháp gốc Việt 
và người Pháp lai Việt cùng bỏ công sức 
xây dựng ở làng Noyant-d’Allier

Với hơn một thế kỷ đô hộ Việt Nam, đã có những cuộc hôn nhân Việt - Pháp và những đứa con mang hai dòng máu ra đời. Khi trở về Pháp, họ đã mang theo gia đình sinh sống tại một số nơi ở Pháp như Noyant-d’Allier, Saint Livrade, Marseille… Đáng chú ý, Noyant-d’Allier cũng là ngôi làng có nhiều người Việt sinh sống lâu đời nhất. Nó nằm cách thủ đô Paris khoảng 400 km về phía Nam, có tổng dân số trên 3.000 người với hơn phân nửa là người Pháp gốc Việt hoặc người Pháp lai Việt Nam.

Từ năm 1943, Noyant-d’Allier là một ngôi làng bỏ hoang khi các mỏ than bị đóng cửa. Nó đã chứng kiến những người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến đây trong một ngày mùa đông cuối năm 1955. Ngôi làng lúc ấy hoàn toàn trống trải, lạnh lẽo, thậm chí không có lò sưởi, không có nước. Sự bắt đầu dĩ nhiên không phải dễ dàng. Hơn 400 gia đình khi đó đã đùm bọc nhau để trải qua cơn bĩ cực. Tính tới nay đã 58 năm trôi qua, hiện giờ Noyant- d’Allier được gọi bằng cái tên thân thiện "Le petit d’Asie” (Tiểu châu Á).

Bà Jacquelin Gervais Szymonik - một người Pháp lai Việt đến đây lúc vừa tròn 17 tuổi, kể: "Lúc ấy là năm 1955, sau khi Pháp và Việt Nam ký kết Hiệp định Genève. Tôi đi cùng bố mẹ, 2 em gái, 3 em trai. Bố tôi là người Pháp còn mẹ người Việt Nam. Từ Sài Gòn đi bằng tàu thủy về bên Marseille (Pháp) ngót 1 tháng trời! Tôi còn nhớ cuộc di cư năm ấy có chừng 6.000 người hồi hương. Phần lớn họ là lính tráng, công chức làm việc cho Tây. Còn đa số là phụ nữ là đi theo chồng hoặc những người có chồng Pháp chết trận trong chiến tranh. Khi sang tới đất Pháp, người thì về đoàn tụ với gia đình, kẻ lại bơ vơ với người chồng không cùng chủng tộc. Tất cả được chia ra ở nhiều nơi trên đất Pháp. Riêng tôi cùng với mấy trăm người Việt Nam khác được đưa đến làng Noyant d’Allier, nơi tôi đã ở mãi cho đến ngày hôm nay…”.

Vào thập niên 50, ngôi làng Noyant-d’Allier chỉ là một bãi đất sình lầy. Nhà cửa, cây cỏ, sông suối đều nhuộm một màu đen kịt vì bụi than. Bà Noelle Soudan năm nay 82 tuổi, cũng là một phụ nữ gốc Việt Nam có chồng là người Pháp. Hồi năm 1960, bà theo chồng về đây sống giữa một ngôi làng nghèo nàn, phong cảnh tiêu điều, xơ xác. Bà tâm sự: "Lúc chúng tôi về đây thì ngôi làng này bị bỏ hoang khá lâu rồi. Nhà cửa đầy rận, rệp, bọ chét. Đời sống vô cùng vất vả, khổ sở. Một người đi làm nuôi cả bầy con 4 đứa cùng hai vợ chồng mà lương bổng công nhân đâu có được bao nhiêu.”

Bà Noelle Soudan cho biết: Câu chuyện tình của bà giống hệt như một huyền thoại trong các tiểu thuyết lịch sử. Bởi từ một kẻ thù, ông Soudan đã trở thành chồng của bà, cay đắng ngọt bùi với nhau cho đến khi ông qua đời cách nay chừng 10 năm. Bà kể lại: "Khi ấy ở bên Việt Nam tôi là cô gái 17 tuổi. Tôi cùng một số chị em xóm giềng tham gia vào Hội Phụ nữ cứu quốc rồi bị giặc Pháp bắt. Chúng nã súng bắn chết một số người, chỉ giữ lại vài ba phụ nữ thôi. Bản thân tôi cũng bị chúng định mang ra xử tử. Thế nhưng bỗng có một gã người Tây (chính là chồng tôi bây giờ) lúc đó làm chân thư ký cho ông Commandant (chỉ huy) đã ngỏ lời xin cho tôi về. Thấy ông ấy cũng hiền lành, không dữ dằn như những người lính Pháp khác nên cuối cùng tôi bằng lòng làm vợ ông ấy!”.  

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trên xứ lạ quê người, nhưng giống như những người phụ nữ Việt Nam khác, các bà Jacquelin Gervais Szymonik và Noelle Soudan cũng rất chịu khó, tằn tiện để nuôi con cái ăn học thành tài và nhất là luôn gìn giữ thể diện, niềm tự hào của người Việt Nam. Họ cùng nói: "Sự thật chúng tôi luôn giữ tự ái của người Việt Nam mình hơn là nghĩ đến miếng ăn. Ra đường vẫn cười vui mặc dù tiền bạc trong túi rỗng không. Dạy con cũng phải thế, lúc đi ra đường gặp ai cũng phải chào "Bonjour Monsieur! Bonjour Madame” (chào ông, chào bà), đứa nào vô lễ là bị ăn đòn ngay. Chúng tôi ở đây hãnh diện lắm, không bao giờ làm mất mặt người Việt Nam. Khổ là khổ trong nhà, chứ ra đường không cho ai biết mình khổ. Ở cái làng này nghèo khổ như vậy, thiếu thốn như vậy nhưng toàn những người học hành giỏi giang!”.

Suốt năm, ngôi làng Noyant-d’Allier hầu như hoang vắng. Song vào khoảng tháng 7, tháng 8, những thế hệ con, cháu làm việc khắp nơi trở về đây để nghỉ hè, lúc đó số dân gốc Việt có thể lên đến trên 2.000 người. Họ về đây để thăm viếng ông bà, cha mẹ, để tổ chức những buổi hội hè, đi chùa, để chào hỏi người thân, bạn bè hoặc chỉ để tưới lại vườn rau trong ngôi nhà cũ. Xem ra Noyant-d’Allier chính là một bến đỗ an bình cho những người con gốc Việt trở về sau những tháng ngày lang thang phiêu bạt.

TRUNG NGUYÊN


-

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire